Một ngày gặp lại.
(Gởi đến các huynh nội - ngoại)
Xây qua xây lại, ngày N giờ G đã tới.
Sáng sớm tinh mơ ngày 14 tháng 11, Bộ tư lệnh Hành quân đã cử một cánh thám sát do ông cò Trần Văn Lâm 321 mang theo đầy đủ đồ chơi xâm nhập mực tiêu, quay phim chụp hình các kiểu.
Cánh thứ hai, do em không quần "mới nhặt được" Mai Ngọc Chiếu 322, phối hợp (cũng với hai em không quần nữa) Võ Văn Nghiêm 343 và Huỳnh Văn Bền 321, bay quần thảo trên bầu trời... kho đạn.
Chưa tới 10 giờ, hai cánh quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó . Ông cò đã chụp cô dâu chú rễ tương lai không biết bao nhiêu kiểu ; sui gia hai bên và khách khứa đã bị cò Lâm vừa quay vừa bấm nát như tương tàu.
Nhưng phải nhiệt liệt biểu dương ba em bên binh chủng KQ :
Không những chỉ bay khơi khơi bên trên làm kiểng ; ba em còn anh dũng đáp ngay xuống mục tiêu. Nguyên một bàn 12 chỗ của người ta đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của phe ta.
Các huynh trưởng,
Đâu phải cuộc hành quân phối hợp đa binh chủng nào cũng hoàn toàn suông sẻ. Cánh quân xuất phát từ phi trường Biên Hòa và cánh chủ lực từ Sài Gòn gặp chút rắc rối.
Hồi trước tới giờ, con đường mang tên Phan Văn Hớn dẫn đến kho đạn, ai muốn dùng phương tiện cơ giới gì cũng được. Lần nầy chơi nổi ; cánh Sài Gòn gồm BĐQ.Trần Ngọc Hùng đui, hai KQ. Phan Chi 331 cùng KQ. Nguyễn Ngọc Thụ 323 và tôi BĐQ. Nguyễn Trung Thuận 322, cởi chiếc 7 chỗ Toyota Inova của trường Hùng cận. Phải nói nhờ kinh nghiệm chiến trường, nhờ toán viễn thám tinh nhuệ ; cánh Sài Gòn đã chủ động đánh một vòng tuốt tuồn tuột lên tận ngã tư Hóc Môn - Tây Ninh, rồi ôm phải, thọc ngang hông vô kho đạn, ngọt xớt.
Gian truân là cánh Biên Hòa :
Quen thói cởi xe hai bánh, chiếc bốn bánh do Phúc (con rễ Luận) chở ông già vợ nó là Đổ Công Luận 321 và TQLC. Lê Thành Tươi 322 bon bon nhào vô đường Phan Văn Hớn. Ba cha con-thầy trò xỉa qua ngã tư : Trước mặt xuất hiện chình ình cái biển cấm xe bốn bánh. Dân tỉnh mà : Tần số vô tuyến hành quân réo inh trời. " Huynh trưởng Thuận ơi ! Đường này bị cấm, tôi phải đi ngã nào ?" . Bà mẹ ...VN anh hùng. Hỏi đường sá Sài Gòn thì tôi thuộc làu trong lòng bàn tay. Hỏi đường trên miệt đầy vc này, tôi bó tay.
- "Gọi Đại bàng ! Gọi Đại bàng ! Tôi phải đi ngã nào ?"
- Bác tài Tuấn ! Tấp xe vô lề, để chú chỉ đường cho mấy thằng cha già này một chút.
- Đại bàng đây, Vô Kỵ nghe rõ, trả lời !
- Em nghe đại bàng ! Xe em có GPS system mà em mò cũng không ra . Em cũng đang bó tay, Đại bàng .
GPS cái nỗi gì ! Nó chỉ biết chỉ đường ; ông nội nó cũng không biết đường nào cấm xe bốn bánh.
- Nghe tôi hướng dẫn : Quẹo xe ra quốc lộ, nhắm hướng Tây Ninh mà tiến. Tới ngã tư đèn xanh đèn đỏ Hóc Môn, rẽ trái . Chúng tôi đang chờ ở đó. Tắt mẹ nó cái GPS system gì đó đi, bí quá thì tấp vô lề, hỏi bà bán thuốc lá hay mấy tay xe ôm là chắc ăn nhứt. Nghe rõ !
Tôi mở cửa xuống xe làm điếu ba số. (Trên xe, Hùng đui xả khói như ống tàu, muốn bể cái lá phổi chẳng còn trong trẻo là mấy của tôi !).
Hút gần hết điếu thuốc, cũng chẳng thấy tăm hơi cánh quân Biên Hòa.Tôi móc "chiếc dép nokia" ra gọi: Đang tới đâu rồi?
- Thôi đàn anh lớn tuổi, đàn anh tới trước đi. Tụi em sẽ mò. Mò một hồi thế nào nó cũng ra"
- "Ok ! Tụi này dọt trước, ráng mò nghe !"
10 giờ 15, chúng tôi tiếp cận mục tiêu ; cánh Biên Hòa vẫn vô âm bặt tín.
Chưa ngồi được xuống ghế, ngó sương quanh bàn thấy có Nghiêm và Bền đang ngồi gần một ông già gương mặt quen quen, đầu lưa thưa bạc trắng. Chiếc lá lại réo :
- Trung Thuận ơi ! Tụi tui tới ngã tư Hóc Môn rồi, bây giờ đi sao ? Phải đường Nguyễn Văn Bứa hông ?
- Ok. Bứa hay Bửa hay Chặt hay Chém gì không biết. Cứ tới ngã tư Hóc Môn thì quẹo trái. Vừa đi vừa giữ liên lạc bằng dế nhủi với tôi, để tui hướng dẫn.
Lạy trời, lạy Phật ! Cuối cùng cha vợ con rễ và bạn tôi cũng mò ra được.
Gõ tới đây, tôi biết có nhiều huynh đã mỏi mắt.
Cho tôi nghỉ xả hơi , làm một điếu. Bỏ lâu, sợ nó ghiền.
***
Thưa các anh em,
Cái tật của tôi hồi giờ nó vậy. Viết lách thì lắm khi câu văn, cái chữ rất ngắn. Đôi khi chỉ cần một chữ ; nhưng kể chuyện (và chuyện kia) hơi bị dài và dai. Mong huynh nào đằm tính, lai rai đọc cho nó vui. Lẹ mà làm chi, khúc sau còn được mấy mươi !
Lại dong dài chút xíu :
Trước khi khởi hành, Hùng cận đã cẩn thận mang theo mấy chiếc nhẫn khóa. Chắc định bụng sẽ trao cho Nghiêm và Bền. Với lại, cánh Biên Hòa và Sài Gòn đã bàn với nhau, tất cả đều sơ mi - quần tây - cà vạt cho thêm phần duyên dáng già. Trước là cho chính mình ; sau là cho anh sui nở mặt với lối xóm bà con.
Anh em lâu ngày gặp lại. Tay bắt mặt mừng. Pháo mồm nổ ran trời.
Nhắc lại. Cái ông già đầu tóc bạc phơ, lưa thưa mấy sợi, cái bản mặt quen quen (như trên tôi đã nói) ; ngồi vào bàn mới biết đó là Mai Ngọc Chiếu 322. Chiếu về không quân cùng đám Thụ, Chi, Nghiêm, Bền. Hình như qua Mỹ học làm giặc lái, hết tài khóa được Mỹ mời về. Nhưng về đâu khi nhà đã bán ? Quân trường bộ binh Thủ Đức không còn ; mời các em ra Long Thành học tiếp, chờ "giải phóng" nó vào.
Thành ra, cùng là 372 mà đến ngày phỏng dái, chẳng phải thiếu úy, cũng không chuẩn úy; binh không là binh, quan chẳng ra quan. Mấy em này ba ngày "học" tại địa phương, sống chung với lũ sớm (Lũ nào cũng là lu ngã cả). Đôi khi bị xui vậy mà cuộc đời được rẽ sang một ngã khác ; ít nghiệt ngã hơn lũ chúng ta.
Nhẫn kỷ niệm khóa 372, ba em Nghiêm Chiếu Bền đeo vào. Cả bàn 11 em già 372 sáng rực lên bởi màu vàng đuốc đỏ Cư An Tư Nguy !
Cảm ơn Kim Thắng ! Cảm ơn chút tình đồng khóa !!!
Rồi Hùng cận trao cho hai cháu chút quà Tango Nguyễn Kim Thắng gởi tặng. Cò Lâm móc bao thư của Nguyễn Thiện Đức 344 nhờ trao. Cảm ơn bạn già mình ! Chắc có chút lý do để đối xử có phần thiên vị tình cảm với người dân miệt Hóc ?
Bà con sui gia hai họ kinh hồn thất vía khi nhìn thấy trên bàn mấy ông già thắt cà la oách, chàm hoàm hai chai "Johnny đi bộ". Bia lon Sài Gòn chỉ là thứ chữa lữa ; mấy ông già này xin phép dùng rượu nhẹ whiskies.
Bây giờ ngồi viết lại những dòng này, mới sực nhớ ra và thấy cả 10 thằng bạn và 1 thằng chủ đều có lỗi.
Số là trước khi 10 tên 372 xáp vô, Bửu Vân đã xếp một ông bác (hàng xóm hay bà con ) gí đó cùng ngồi chung. Xây qua xây lại, ông bác này xô ghế đứng dậy, ra thẳng bãi để xe mở khóa. Thôi em xin lỗi ông anh ! Tụi em dữ quá làm ông anh khớp. Có gì cho em được đại diện, thưa cùng anh hai chữ so-ri ! Mà thằng em Bửu Vân này bậy thiệt : Ai đời xếp sĩ quan đa binh chủng ngồi cùng bàn với cán bộ vc địa phương !
Rồi chúng tôi ăn nhậu, nói cười, xài tiếng Đan Mạch vang trời, lở đất.
Mai Ngọc Chiếu nhắc: "Tụi mình có một thằng tên Vân nữa". Phan Chi nói : "Đó là Đặng Bích Vân". Rồi Chi nhắc chuyện cùng với Hùng mò ra Long Khánh, Xuân Lộc tìm Bích Vân...
(Tôi có quay đoạn Phan Chi nói xấu Đặng Bích Vân. Để hôm nào tôi đưa lên Youtube cho hai chàng mất đoàn kết chơi !).
Hùng cận dùng tiền Tango gởi cho, mua chai Johnny Walker nắp đen. Đổ Công Luận tặng chai "Johnny đi bộ" nắp đỏ. Vui quá, anh sui gái xách chai Saint Remy cổ lùn đặt lên bàn cái rầm !
" Cái ly nho nhỏ xoay vần,
Anh em mười (một) đứa người cần người không".
Tôi nói người cần, người không vì có người không uống được rượu.
Riêng Hùng cận phải nói, đúng là tay chơi thứ... dõm!
Các huynh coi lại mấy tấm hình Hùng cận tu nguyên chai mà xem. Chai nào cũng "Ê , chụp cái, chụp cái !". Chai nào mới mở hộp giấy;Hùng rượu cũng làm xôm dữ lắm. Chai nào cũng tu, cũng diễn rất đạt ; có điều nắp chai chưa được mở.
Rồi 11 chúng tôi,bấm, chụp, quay. Bốn máy nóng luôn.
Và đến lúc cũng phải nói lời tạm chia tay gia đình trưởng kho ... đạn.
Xin cảm ơn anh chị đã cho chúng tôi một ngày rất rất vui.
Dắt hai vợ chồng anh sui gái ra cổng làm mấy tấm để lại con cháu coi chơi...
***
Huỳnh Văn Bền đã gọi điện về cho bà xã. Mười anh em cùng kéo qua nhà Bền cho biết nhà và vào "tăng hai". Riêng Bửu Vân không đi được vì "cô ấy" không cấp "cô ta".
Chiếc võng "buồn liệm kín hồn anh" là lúc anh giả chết đôi ba chục phút; chứ anh chưa chết đâu em.
Cảm ơn huynh trưởng Huỳnh Văn Bền, cảm ơn Bền phu nhân. Đôi tay anh chị hàng ngày bóp vú ...bò ; mà trộn hai dĩa gà nuôi thả tuyệt vời. Cũng với đôi tay suốt mấy mươi năm bóp ... anh ; mà chị đã cho chúng tôi hai tô cháo đã thiệt !
Chia tay, rút quân các anh bạn già ơi !
Hẹn ngày đám cưới con gái Bửu Vân, anh em mình lại chơi tiếp !
(Phóng viên BĐQ. Nguyễn Trung Thuân 322
tường thuật không trực tiếp tại chiến trường)