Sunday, February 6, 2011

Ươc Mơ, Nghi Lễ, Ngày Cưới Của Cha ...

1- Ước mơ

Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
- Nếu cô trúng số con muốn cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
- Cho con một chiếc xe đạp. 
 Nếu có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
- Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số…
Tôi vẫn thấy nó mỗi ngày đi ngang qua nhà tôi với chân trần, đầu không nón...

2- Nghỉ lễ

Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. 
 Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn:
- “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm.  Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ.”
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó:
- “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa lựng…”

3- Ngày cưới của cha

Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám  cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường, quành quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến tôi đám cưới ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo...
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt...

4- Lòng tin


Xe ngừng…
- Mận ngọt đây..!
- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?
- Dạ 2000.
- Hổng có tiền lẻ!
- Để con đổi cho!
Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…
- Trời! Đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!
- Ai mà tin cái lũ đó chứ!
- Bà tin người quá! ...
Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:
- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho.

 5- Lời hứa

Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó:
“Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi.”
Mắt thằng Linh sáng rỡ.
Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian. 
 Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì
thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc:
“Chú hứa chở con đi chơi…cả năm qua con ngoan… không hư một lần nào…”

6-
 Ba

Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học.
Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo:
- “Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghỉ cho khỏe.”
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.

7-
 Khoe

Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì ?"
  Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học và mong sau này
con có được một nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội.
Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là ;
- "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận"
Bố buồn, chỉ ao ước được một lần nghe con khoe về nghề của bố ...

8-
 Nhạt

Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã.
Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm.
Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn.
...Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt.
Nhạt nên người ta không ăn của ông nữa...

9- Anh Hai

Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng:
-  “Sanh ra.. Giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”
Anh lặng thinh không nói năng gì. 
 Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên Thành Phố ở trọ. 
 Anh tự ý bán đi con bò sữa – gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út.
Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “ Út ráng học ngoan…”
Miệt mài 4 năm Đại Học, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê… Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc:
- “ Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ…lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”

10-
 Đưa đón

Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô.
Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố:
- “Sao không đón nội.”
Bố bảo: - “Bận quá.”
Ngoại nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ôtô đi đón. 
 Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo:
- “Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách.”

11-
 Đợi

“Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ.
Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩn lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…
Sau đó nó biết ông khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.
Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi! ” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.
Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: Bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành xa lạ.
Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…
Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua…

12-
 Xa xứ

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết:
"Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…"
Cuối năm viết:
"Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…"
Mùa đông sau viết:
"Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần
trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…"

13-
 Bàn tay

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi
không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình
đụng tay em... Mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... Chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.


14-
 Ăn cơm (Nguyễn Thanh Bình)

Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.
Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.
Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng   :
- “Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!”
Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến :
- “Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!”

15-
 Cha tôi (Nguyễn Minh Hiếu)

Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn.
Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận.
Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói:
- "Ba sợ các con còn giận mẹ...".

16-
 Mồ côi (Nguyễn Văn Hùng)

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- “Giá như mẹ đừng ‘đi xa,’ thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.”
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- “Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.”
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
“Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên...”

17-
 Lát nữa về (Phạm Thu Hiền)

Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.
Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành :
- “Nín đi con ! Lát mẹ về.”
Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ :
- “Nín đi mẹ! Con đi chơi với ba, lát con về...”

18- Cần thiết (T.T)

Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, Thầy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi
ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.
Một lần gọi điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi:
- "Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền."
Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp:
- "Anh chỉ cần em".

19-
 Xót xa

Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành
phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay, dễ chừng gần ba năm, chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
- “Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?”
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong
đĩa lòng xào ra:
- “Ai làm bê bối và cẩu thả thế  này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!”
Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu:
- Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi!...

47 Năm Hội Ngộ 01-09-2019

45 Năm Hội Ngộ 03-09-2017

43 Năm Hội Ngộ 05-09-2015

41 Năm Hội Ngộ 06-07-2013

38 Năm Hội Ngộ 04-07-2010