Friday, February 24, 2012

Chút tâm tình với bè bạn

Chút tâm tình với bè bạn.
 *** 
Tứ thập niên bất thủ thư, Hán(g)tri kiến hoàn nguyên cựu !
 Thiện tai ! Thiện tai ! 
Lục thập nhất tuế, tiểu thê mộng hoàn y tân !
 (Nguyên tác:Trần Như Hùng)

 "Bốn mươi tuổi,chẳng giữ được thời thư sinh.Biết chi mấy cái "háng",để thấy mình trở lại như cũ !
 Sáu mươi mốt tuổi đầu,lấy con vợ trẻ. Mơ về thuở trai tân !
 (?!) Lành,dữ ! Lành,dữ !
 (Ối giời ơi ! Bỏ Bố tôi rồi ! - Trời ơi ! Đời cô Lựu!)" 
(Phỏng dịch:tbd)
 (Chuyện nho chùm để đó,tính sau.) 
 ***
Anh em xa gần,
Nguyên tuần này,tôi cũng nghỉ theo lũ học trò,bày đặt"nghỉ đông"như thuở nào còn cắp sách đến trường. Rảnh rỗi,dùng "nhị dương chỉ" miên man đôi điều cùng bạn hữu gần,xa. Tuổi thật,(không như Hùng nhô viết)tôi đã sáu tư.Mẹ tôi nói,bà sinh ra tôi vào một buổi chiều mùa hạ,năm Mậu Tý 1948.Nói theo chúng nó,từ 45 - 54 là 9 năm kháng chiến,thì tôi được sinh ra vào năm Thứ ba của cuộc đánh Tây,giành độc lâp.Chống Pháp mới có ba năm nhưng ba tôi không hề xao lãng nghĩa vụ người chồng,khiến mẹ tôi sản xuất ra thêm đứa con thứ tám là tôi.Chưa hết,còn chừng một năm nữa tới ngày "đất nước hoàn toàn độc lập"(chắc ba tôi tiên đoán),em gái tôi lại chào đời để góp phần "cùng cả nước,mừng tổ quốc thoát khỏi hàng trăm năm đô hộ của bọn thực dân Pháp xâm lược".
Vinh quang thay,những đóng góp to lớn của hai đấng sinh thành !
Đã 9 tuổi,tôi vẫn chưa đi học.Phần vì gia đình kha khá ,lại được cưng như cưng hoa,hứng như hứng trứng;thằng nhóc to đầu lớn...dái là tôi vẫn ngày ngày vui chơi với chiếc xe máy con nít.Huynh trưởng nào được sinh ra (hoặc lớn lên)như Đường Chấn Hưng, Nguyễn Kim Thắng...ngoài tôi kêu xe đạp là xe máy.Dân quê mùa, nghèo rớt mồng tơi;thấy cái xe gì lạ hoắc,đạp mấy cái,nó đã chạy vù vù như tên bắn...nhứt định nó phải có cái máy chứ sao !
Chín tuổi mà muốn vô lớp Năm là đã quá hai tuổi.Để khuyến học,lại là vùng chiến tranh,chánh phủ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm bèn cho phép dân ngoài tui được làm lại cái giấy khai sanh khác.Đó là nguyên nhân tại sao dân Miền Trung có cái Thế vì Khai sanh.(Trong khi dân xứ khác chỉ có giấy khai sanh chứ không thay vì,thế vì gì hết).
Chín tuổi mới vô lớp Năm như tôi chưa phải là già đầu lắm đâu! Lên tới lớp Nhì,lớp Nhất nhiều anh bạn chung lớp đã có...vợ là không hiếm.Vì thế,hể sau kỳ nghỉ hè,tựu trường lại;hổng thấy anh Lãnh,anh Lương đi học nữa,tưởng nhà nghèo nghỉ ngang;mò lên xóm thăm,người nhà mấy ảnh im re.Sau này lớn lên chút xíu mới biết ra,mấy cha nội này "nhảy núi" mẹ nó rồi ! (*)
Học trể hai năm chưa phải hết chuyện.

 ***
Hết lớp Nhất trường Quận Đức Phổ,tôi được trường chọn cho đi thi vào trường trung học công lập Trần Quốc Tuấn ngoài tỉnh. Tới đây,nhân đang nói chuyện về cái trường tiểu học yêu dấu của thời bé bỏng,tôi xin lái qua chuyện đặt tên trường của tụi việt cộng.
(Cũng xin nói thêm,huynh trưởng nào rảnh,đọc tiếp cho vui tuổi retired.)
Lại nhân huynh trưởng Phạm Đức Công,Đào Danh Đức,Nguyễn Tuấn Khanh, Nguyễn Kim Thắng...khoái nói và nghe chuyện hồi đó(và biểu tôi hãy viết về),nên tôi viết ra luôn cho anh em đọc chơi.Rồi thêm,lâu nay trên groups ít thấy ai viết lách chuyện này chuyện nọ mua vui. Xây qua ngó lại toàn thấy huýt gió,thổi kèn.Rằng vui quả thật cũng vui;nhưng mỏ,miệng nào chịu thấu !
Hồi còn học tiểu học ở trường này,trường có tên là:Trường tiểu học công lập Quận Đức Phổ.Cho mãi đến khi mấy chú vô,trường vẫn mang tên như thế.Qua bao lần sửa tới sửa lui,năm 2008 tôi về,nó có cái tên lạ hoắt là "Trường T.H.C.S. Nguyễn Nghiêm Đức Phổ".Nghĩa là,khi nó hân hạnh được gọi là T.H.C.S. thì không ai biết nó là trường công hay trường tư.Và một địa danh tuy xa lạ với nhiều người(mà gần gũi biết bao với tôi,với rất rất nhiều con người đã được cắt rốn chôn nhau trên chính mảnh đất này),cái địa danh đó phải đứng ra phía sau cái tên của một thằng việt cộng chết bằm bá láp nào đó.  Buồn quá,dừng lại trước cổng trường xưa,kêu đứa cháu bấm lẹ một tấm.Biết tới bao giờ mới còn dịp về thăm lại mái trường thuở ấu thơ!
(*)Nhảy núi: Dân Đức Phổ,Quảng Ngãi gọi như thế. Chỉ việc làm của người đi theo Việt cộng.Dãy Trường Sơn sát hướng Tây,cứ việc bỏ Quốc Gia theo vc thì phải lên núi sống.
Tựa như trong Nam gọi là “vô bưng”.Nhảy núi thì vẫn luẩn quẩn ở địa phương.Trường hợp có cha đi tập kết làm kha khá thì theo Trường Sơn ra Bắc,gặp bố.
Trường làng tôi.
Đầu năm 2011,trước khi qua Mỹ.Dịp vợ chồng Bá Hùng và Tá Hùng về Việt Nam. Tôi nghĩ chắc lâu lắm mình mới có dịp về thăm quê cũ.Tôi rủ ông anh về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn.Trước là thăm mồ mả ông bà,sau nhìn lại một lần hình ảnh xóm làng của cái tuổi bắt bướm hái hoa.Sau khi đốt nén nhang nơi mả ông bà nội, trên chiếc gắn máy,tôi chầm chậm tay ga trên con đường tư ích,băng ngang cánh đồng đầu xuân xanh rì màu lúa non.Lòng bần thần luyến tiếc,ngoái nhìn ngọn núi xa xa,nước mắt bỗng dưng ứa trào.Lúc đó đã gần giữ trưa,mấy cô em học trò tan lớp đang đạp xe về nhà.Tôi dừng xe lại:
-Cháu ơi!Chụp giùm bác tấm hình!
Hai cô bé áo dài nón lá lưỡng lự một chút và khi hiểu ra là ông già này muốn mình chụp giùm chứ không phải đòi chụp chung,nên một cô dừng xe lại.Tôi rút khăn tay,ngó qua phía khác,lau vội khóe mắt,cố mĩm nụ cười.Con gái bao giờ cũng tinh hơn con trai cùng lứa,nhất là phải tinh hơn ông già sáu mấy.Giữa trưa nắng chang chang mà nhờ con người ta đứng chụp hình thì có mà điên!Chắc ổng quê này:
-Bác chụp nữa hông?Cháu chụp nữa cho?
Một cô chống chân,ngồi chờ bạn trên yên xe ngoái nhìn.Cô chụp hình giùm nhón đít lên yên.Tôi nghe rất rõ tiếng nói của cô nào đó: -Ổng khóc, mầy ơi!
Đầu tháng 3/2011
***
Đoạn đường từ thị trấn ra tỉnh chưa tới năm chục cây số,trừ những đoạn đi qua các thị trấn Mộ Đức,Đồng Các,Thi Phổ,Tư Nghĩa...bắt đầu từ những năm 64 -66 mấy chú việt cộng ban đêm mò ra đào ngang xẻ dọc,bằm nát bấy cái Quốc lộ Số1.Xe lam ba bánh cứ từng khúc lại phải tăng bo(Transport nhưng dân tôi nói vậy).Cứ hàng tuần,hoặc lâu lắm là hai tuần,hai anh em tôi đều phải ngồi xe lam về quê.Nhớ nhà,nhớ cha mẹ thì ít;mà nhớ việc chở gạo và xin chút tiền giằng lưng thì nhiều. Nhưng càng ngày đi xe lam càng mất thì giờ và nguy hiểm.Các bạn biết rồi:vc đâu chỉ chuyên tài đào đường,đắp mô.Mấy anh còn không chút gớm tay đặt mìn,giựt tung chiếc xe đò tan tác, miễn nghi trên đó có một vài người lính VNCH.
Nguyễn thị Mộng Thường của Hoàng Thi Thơ,khi đến thăm anh quân nhân Biệt Động đã ra đi như thế.
Đầu năm 66,vc về càng nhiều;xe cộ chạy càng ít.Hai anh em tôi chuyển qua đạp xe đạp cho chắc ăn.Cứ trưa Thứ Bảy mới đạp về,làm gì giờ đó mấy ảnh dám mò ra.
Sáng Chủ Nhật đạp ra,lính Mỹ đã mở đường,chắc ăn như bắp.
Niên khóa 65-66,tôi học Đệ Tứ 4 Pháp văn.Tôi nhờ thằng bạn quen bên Tứ 3 dạy tôi câu tiếng Anh làm bửu bối.
Nhiều bữa gần tới trưa Chủ Nhật mà lính Mỹ vẫn còn đang rà mìn mở đường.Hai anh em dắt bộ xe đạp đi sau mấy anh lính mắtxanh mũi lõ.Tôi xổ bửu bối : - Can we go slowly and follow you ?
Anh lính đang cầm cây rà mìn, quơ qua quơ lại,ngước nhìn hai đứa bé ăn mặc tơm tất lại biết nói tiếng Anh.Chắc anh ta không nghi chúng tôi có thể là vc, gật đầu.
Bây giờ nghĩ lại,cái câu tiếng Anh này nó vận vào hai anh em tôi.
Cả hai anh em đều đến đất Mỹ.Có điều tôi cũng follow you;nhưng hơi quá slowly.
***
Thấy tình hình không ổn,hè Đệ Tứ 66-67,cha mẹ tôi gởi anh em tôi vô Sài Gòn học tiếp.Em gái tôi học Nguyễn Bá Tòng.Còn tôi,không phải thi tuyển,chỉ xét học bạ,tôi vào Chu Văn An.
Trường trung học công lập danh tiếng này ban A,ban B thì có nhiều lớp; riêng ban C chỉ có một lớp Đệ Tam C,mà lại là Anh văn.Khổ thân tôi chưa! Suốt bốn năm trung học đệ nhất cấp,"Je parle Francaise"như gió; giờ nhìn câu tiếng Anh nào cũng thấy chữ "The".Không biết đọc "thờ";chỉ toàn đọc "the".Tới giờ Anh văn,tôi như gà mắc thóc.Nhưng bù lại,giờ Pháp văn,với tôi dễ như bỏ túi nhỏ quần Jean.(Chữ c trong chữ Francaise có cái ngéo dưới đít.Mò không thấy chữ này trên bàn phím).Vậy mà không biết vì sao 67-68 cũng học Đệ Nhị C ? Dân nhà quê vô Sài Gòn học,hàng tháng cha mẹ gởi cho cái mandat,Đệ Tam đã có Honda dame đời quân đội,Đệ Nhị đi chiếc 67 din...Quá hách! Hách quá nên đâu chịu học.Hậu quả là hai tiếng”Bịch Bịch”to đùng.
Năm 68 Mậu Thân thi Tú Tài I là dễ nhất,lại cho thi đợt hai.Vậy mà cả lớp 40 thằng, 34 thằng đậu,6 thằng rớt.Trong số 6 thằng rớt có Quảng Trọng Dũng và tôi.
Rớt Tú Tài anh đi Trung sĩ,
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi thân.
Tôi không chịu đi Trung sĩ. Tôi chơi mánh.
Một liều ba bảy cũng liều.Ăn thua gì! Được: ở lại lớp học tiếp - Không được: cũng Trung sĩ chứ đâu có Hạ sĩ! Năm 68,nếu học đúng tuổi,thường thì đa số là 17,năm sinh là 1951.Cũng có anh học trể một năm,18 thì sanh 1950.Riêng tôi,tính tuổi thật,tôi đã hai mươi cái xuân xanh.Hai mươi đã lớn lắm rồi.Tôi tự cho mình khôn và lanh hơn bạn đồng lớp nhiều lắm.Chính vì già đầu,gặp khó mới ló cái khôn,tôi nghĩ ra được một cách,bàn với thằng bạn chơi thân Dũng đui.Dũng 31 chắc anh em 314 còn nhớ nó. Dũng cận nặng,hiền và rất ư lè phè. Chuyện này trước giờ chưa kể ai nghe.Nay gần cuối đời mẹ nó rồi.Chơi luôn cho nó nhẹ người:
***
Tôi chắc các huynh trưởng đều còn nhớ thời đó.
Thời cái giấy vô cùng quan trọng của bọn mình(ngoài căn cước và thẻ học sinh): Giấy chứng nhận hoãn dịch vì lý do học vấn .Giấy hoãn dịch do Nha Động Viên/Bộ Quốc Phòng cấp từng niên khóa cho mỗi học sinh,sinh viên.Hình như xếp  sòng Nha Động Viên lúc đó là ông Chuẩn Tướng Bùi Đình Đạm. Hồi những năm 68,cũng hình như chưa phải là thời điểm cấp thiết bổ sung Sĩ quan cho chiến trường lắm.Trường hợp rớt Tú Tài I thì phải đi Trung sĩ là phải đạo.Còn nếu vì học trể mà vẫn lên lớp thì không ảnh hưởng gì cả.Trường vẫn cho học,vẫn cấp Thẻ học sinh bình thường.Việc có giấy hoãn dịch không liên quan đến nhà trường.Các bạn còn nhớ, xin giấy HDVLDGC do học sinh tự lo; nhà trường chỉ  cấp Thẻ học sinh để họ bổ sung hồ sơ xin hoãn dịch,thế thôi.  Nắm được điều này,tôi với thằng Dũng khai mất Thẻ học sinh của niên khóa 67-68,rồi xin cấp lại cái mới.Có thẻ mới xong,bước tiếp theo,tôi tự đánh máy để xin sao y bản chánh.Không có gì khác thường.Không sai suyển chi tiết nào.Chỗ này cũng nhắc lại để anh em nhớ:Vào học niên khóa mới một thời gian ngắn,nhà trường sẽ phát cho mỗi học sinh một cái Thẻ học sinh chưa điền gì hết.Giáo sư phụ trách lớp hướng dẫn cách điền.Ai chữ đẹp thì viết tay,ai điệu đàng(như tôi)thì đánh máy.Dán hình 4x6 vào.Ngày nào đó nộp lại cho thầy,vậy thôi.
Cái hay và ma lanh của tôi là ở chỗ này:
Nội dung bản sao y có dán hình do tôi đánh máy y như thẻ học sinh cũ : Tên Họ - Ngày tháng năm sinh - Niên khóa:1967-1968 - Theo học lớp: ĐỆ II C (Trong thẻ chính là ĐỆ NHỊ C.Chẳng sao!Đánh như thế ai chả đọc là Nhị C,kể cả thầy Hiệu trưởng.)
Có được bản sao y bản chánh của nhà trường,tôi kê vào cũng cái máy đánh chữ lúc trước.Canh kê thiệt kĩ,gõ thêm con số I La Mã vào chỗ ĐỆ II C.Thành ra ĐỆ III C.
Vậy là học sinh Quảng Trọng Dũng và học sinh Nguyễn Trung Thuận niên khóa 1967-1968 chỉ mới học lớp ĐỆ III C,chưa thi Tú Tài I.Xong, đem nộp cho Nha Động Viên,xin hoãn dịch vì lý do học vấn niên khóa 68-69. Ai lên lớp Đệ I C cứ lên.Mấy em rớt Tú Tài I năm đó cứ việc đi Trung Sĩ.Tôi với Dũng cứ phè,chờ.
Ngoài hai thằng tôi,không ai biết chuyện này.Tuyệt đối giữ bí mật cho đến mãi đến hôm nay mới...bật mí.
(Tạm nghỉ chút xíu : Các bạn nghỉ đọc; tôi làm điếu ba con 5,tự thưởng.)
Kết quả việc làm này của hai thằng tôi,chắc anh em đã biết. Cũng phải nói cho ra lẽ:
Hồi đó,không biết cơ man nào là trường trung học,đại học.Không chỉ nội Sài Gòn không thôi mà còn biết bao nhiêu tĩnh lỵ khác trên toàn cõi Miền Nam.Mọi nơi đều dồn về mỗi anh Nha Động Viên cứu xét.Hồ sơ các nơi nộp lên cứ liếc sơ là duyệt.Hổng lẽ nhà trường đi cấp sao y bản chánh Thẻ học sinh dõm? Con người chứ đâu phải cái máy.Mà cho dù có là máy đi nữa,cũng chưa có cái Computer "khôn thầy chạy" như bây giờ.  Vào niên khóa mới,không ít con mắt nhìn hai thằng tôi với câu hỏi to tướng trong đầu.Không hiểu tại sao mấy đứa rớt Tú Tài I khác phải vô lính,duy chỉ có hai thằng này lại vẫn được cấp Giấy HDVLDGC.Hay nó là COCC gốc cây cổ thụ?Hay Chính phủ cài tụi nó vào theo dõi cái đám bày đặt biểu tình biểu tiếc này nọ?Nhà trường,thầy giáo cứ "vô tư"dạy.Riêng hai thằng tôi thấm thía cái tội ham chơi,biếng học; cứ"vô tư" học.Tú Tài I và II tôi đều đậu bình thứ.Ban C mà đậu bình thứ chẳng khác nào hạng ưu ban A,ban B.
***
Các anh em,
Cuộc đời của mỗi con người đều được một Đấng Thiên Liêng nào đó sắp đặt sẵn.Mọi khúc quanh của đời người đều xảy ra vào một thời điểm nào đó chúng ta không biết được.Chúng ta chỉ biết sau khi nó đã xảy ra.Trước đó,không tài thánh nào đoán nổi. Nếu biết tới năm 72 phải vào lính;7 tuổi tôi đã đi học lớp Năm.Nếu biết năm 72 có lịnh tổng động viên; Đệ Tam,Đệ Nhị tôi đã gạo sói trán.Nếu biết tù cải tạo đủ 3 năm sẽ đi Mỹ theo diện HO,cho về tôi cũng không về; đừng nói chi tới chuyện trốn trại !
Tuổi trẻ không bao giờ chịu nghe theo kinh nghiệm của người lớn.Thường thì họ đòi trả bằng kinh nghiệm của chính mình.Muôn đời,muôn kiếp là thế.Đời mình đã thế,đời con mình lại y như thế.  Nhưng cái hay(ngu?)của tuổi trẻ,đôi khi là ở chỗ thường tự tin,hay bướng bĩnh và vô cùng liều lĩnh. Nhờ trể học 2 năm.Nhờ rớt Tú Tài I năm Mậu Thân mà hôm nay tôi,chúng ta mới cùng là 372.
Voila ! C'est la vie ! Đời là thế !
Chút tâm tình với bạn bè là thế !
***
******
(11 tháng,kể từ ngày đến Mỹ)
Nguyễn Trung Thuận.

47 Năm Hội Ngộ 01-09-2019

45 Năm Hội Ngộ 03-09-2017

43 Năm Hội Ngộ 05-09-2015

41 Năm Hội Ngộ 06-07-2013

38 Năm Hội Ngộ 04-07-2010