Monday, April 18, 2011

Cellphone và Starbucks coffee



Các huynh trưởng,
(Chuyện thì rất ngắn và đơn giản ; nhưng tôi sẽ viết như thế này)
Nhớ lại những năm chín mươi mấy của thế kỷ trước, thời ở Việt Nam mới có cái điện thoại cầm tay, nhưng ai tậu được (cục gạch đập đá), sẽ vô cùng hãnh diện và hách xì xằng nữa là đằng khác.
Lúc đó, có một hãng xe taxi gọi tôi vào làm trưởng phòng hành chánh cho họ.Tôi thì không thể, vì lương tháng chỉ có một triệu hai.(Một triệu hai đã là lớn lắm, vi lương công nhân xí nghiệp thời ấy chỉ chừng 4,5 trăm).Trong khi đó, cái Nokia to bằng bàn tay, giá hơn hai triệu. Còn anh chàng Motorola dỡ nắp có cái ăng ten thì cở giám đốc chịu chơi mới sắm nổi. Anh nào có cái cầm tay (thì y như rằng) suốt ngày luôn bận rộn với nó. Bận rộn vì luôn luôn phải cầm nó trên tay (bởi thế mới có cái tên gọi điện thoại cầm tay !). Mà đã sắm cầm tay mà suốt ngày không ai gọi đến thì chán bỏ xừ. Vì thế, có anh vào quán, hoặc có cậu đang ngồi bàn làm việc; không ai gọi đến mà cái cầm tay vẫn reo, thế mới gọi là "đầy óc sáng tạo".
Kiểu dáng và kích cỡ của cái cầm tay thay đổi xuống lên, lên xuống cũng khá tức cười. Từ chỗ to bằng cục gạch, thân hình nó dần thay đổi chiều cao, trọng lượng và "bề dày lịch sử". "Chiếc lá" Nokia ra đời là niềm khát khao của biết bao "cô nàng đỏng đảnh". Em bền và sóng em rất ổn định ; nhưng thời trang không chấp nhận em, bởi em không nói được tiếng Việt (tôi mang em qua và đang xài em). Rồi 8200 bé bỏng chỉ bằng hai ngón tay, với bàn phím xanh đỏ tím vàng chiếm ngôi đầu bảng. Hồi 5,6 năm trước, làm gì có em Hàn quốc, thằng Trung cộng ; chứ nói chi đến em "quả táo" đụng vào là bung.
Nhưng đời mà : có xuống thì có lên. Và bây giờ, cái cầm tay đang trên đà lên dần về chiều cao và bề dày mà "đếch cần lịch sử".
Dông dài như trên chỉ để nói gọn nhẹ : Tôi vừa có số cellphone (mà số cellphone Mỹ mới bảnh) ngày hôm trước; thì ngay ngày hôm sau, cuộc gọi đến tới tấp bay vào. Nói nôm na như thế là không muốn kể tên những ai đã gọi đến.Chắc không phải các bạn tôi gọi đến là để kiểm tra tính thực hư của cái số. Hình như họ gọi đến (mà tôi cảm nhận được trong lời nói; chứ không qua lời nói) là chúc mừng, là hỏi han. Chẳng nói đâu xa, chỉ mới đây thôi : Tối hôm qua, một chiến hữu biệt động đã gọi hỏi thăm tôi với lời trách móc nhẹ nhàng : "nhưng sao đi mà không bảo gì nhau".(Tao đã không những bảo mà còn thưa mày từ rất lâu rồi, Lan ơi !).
Tôi lại muốn "báo cáo các anh".
Viết tới đây, tôi cần dừng lại để mở một dấu ngoặc đơn to tướng để "nói cho rõ" : Tất cả những từ tôi dùng, được bỏ trong ngoặc kép, đều ít nhiều là từ vay mượn. Tôi cố ý dùng nó; chứ nó không nhiễm vào tôi.
Tôi lại muốn "báo cáo các anh", cách đây mấy hôm, tôi được biết thêm một chút về nơi tôi đang ở : Cà phê Starbucks.
Đi với ai, ngồi với em nào (có đánh chết) tôi cũng không khai.
Lần đầu tiên vào một quán cà phê Mỹ và do người Mỹ bán (bán chứ không phục vụ bao nhiêu), tôi biết thêm một cung cách Mỹ : Ai đời người ta bỏ tiền ra mua sản phẩm; mà bắt người ta tự bưng bê ra tận bàn (muốn ăn nhậu thì cứ việc ăn nhậu); sau đó, khi người ta đi về, lại bắt người ta dọn hết vào thùng rác. "Người bóc lột người" !
Trong quán thì Wifi oai phiếc là thế , ấm cúng là thế ; mà đi cấm người ta hút thuốc. Bắt người ta bước ra ngoài trời đêm, với cái lạnh thấu xương, rít vội mấy hơi ! Công bằng chỗ nào ? Tự do chỗ nào ?
Nếu ai đó cứ mãi là "con nhái ngồi đáy giếng". Ai đó quanh năm suốt tháng chưa một lần bước ra khỏi nước. Ai đó suốt đời sống chung với lũ, thế nào cũng bị lũ nhồi nhét sự mê muội vào cái đầu tội nghiệp u mê.
Người dân Bắc Hàn không phải luôn tin rằng cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là thiên đàng trên thế giới này đó sao ? (?!)
Các huynh trưởng thấy chưa ?
Chuyện chỉ là cái số cellphone mới và đi uống cà phê starbucks. mà tôi dông dài ghê chưa !
Thuận.

47 Năm Hội Ngộ 01-09-2019

45 Năm Hội Ngộ 03-09-2017

43 Năm Hội Ngộ 05-09-2015

41 Năm Hội Ngộ 06-07-2013

38 Năm Hội Ngộ 04-07-2010