Sunday, December 5, 2010

BÀI VIẾT TIẾP VỀ QUÊ HƯƠNG BIÊN HOÀ

Hôm nay , mình xin viết tiếp bài về quê hương Biên Hoà , nhưng xin nói về vấn đề kinh tế , trong đó có làng nghề gốm mỹ nghệ truyền thống và gạch ngói . Mình có ý tường viết thêm phần này khi HT Phước 334 có nhắc về người anh ruột của bạn mình làm rể ở xứ Chợ Đồn và sống về nghề gốm sứ .
Sau 1975 , căn cứ quân sự Long Bình đặt dưới sự quân quản của bộ quốc phòng . Một nghề mới được hình thành , mua bán cũng như rà tìm phế liệu . Chỉ những người có thế lực và vai vế mới làm được việc này . Ngay cả những mảng bê tông lớn , dày hơn một tấc , rộng cả chục mét vuông cũng được cạy lên bán . Người dân nghèo thì sử dụng máy rà phế liệu tự chế , đôi khi phải hy sinh đến tánh mạng .
Đến thời kỳ mở cửa, sau 1986 , vùng đất này được giao về chính quyền tỉnh quản lý , hình thành 4 khu công nghiệp , trong đó có một khu công nghiệp liên doanh với Thái Lan . Hạ tầng kỹ thuật được xây dựng , các xí nghiệp được thuê 50 năm , tiền trả theo mét vuông . Tư bản nước ngoài đầu tư vốn , máy móc , công nghệ kỹ thuật của họ . Công nhân tại chỗ , những lao động nhập cư ở Bắc Trung Bộ vào , ở Tây Nam Bộ lên . Hàng hoá sản xuất được tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu . Lại có ưu đãi về thuế trong thời gian 3 hoậc 5 năm đầu . Các công ty nước ngoài có thế mạnh về vốn , các xì nghiệp quốc doanh lần lần cạnh tranh không nổi . Điển hình , từ năm 1985 đến 1995 , 3 nhà máy bột giặt quốc doanh : Viso , ở cư xá kiến thiết Thủ Đức , Lix , ở Linh Xuân gần trại heo , Net , ở khu công nghiệp Biên Hoà , đều sản xuất mặt hàng bột giặt lấy hiệu Viso , Con Ngổng . Hàng hoá sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường trong Nam ngoài Bắc . Năm 1995 , công ty UNILIVER nhảy vào thị trường Việt Nam . Đầu tiên họ mua đứt nhà máy Viso Thủ Đức để độc quyến sản xuất bột giặt Viso . Sau này thêm Omo là mặt hàng chiến lược của họ . Net và Lix chỉ gia công sản phẫm cho UNILIVER . Một lần giảy chết . Sau đó nhà máy kem đánh răng Perlon , sau 1975 là quốc doanh sản xuất kem đánh răng hiệu P.S , đang có chổ đứng trên thị trường , được mua lại với giá 5 triệu USD . Nhà máy của Perlon đối diện chợ An Đông chỉ được phép sản xuất nước rửa chén và kem Hynos . Kem Hynos anh bảy chà và đen là thương hiệu có tiếng trước 1975, nhưng bây giờ nguyên liệu , chất lượng không bằng nên người tiêu dùng không chấp nhận . Ta tự đào lỗ chôn mình . Cái mặt bằng đó giờ thành trường tiểu học Quốc Tế . Nhà máy kem đánh răng của UNILIVER được xây dựng mới ở khu công nghiệp Củ Chi , sản xúât thêm thương hiệu Close up truyền thồng . 5 triệu USD để đổi lấy một thương hiệu . Từ ti vi , tủ lạnh , xe hơi , đồ tiêu dùng gia đình của các thương hiệu nổi tiếng , cùa Anh , Pháp , Mỹ , Nhật , Hàn .... đều có nhà máy lắp ráp và sản xuất ở Việt Nam .
Sự phát triển kinh tế thì đi đúng theo bài bản , từ việc vận dụng các qui luật kinh tế của thế giới để áp dụng vào Việt Nam . Nhưng có vươn tầm cỡ Hàn Quốc , Nhật Bản hay không là do cách quản lý và yếu tố con người .
Ở Biên Hoà còn có thế mạnh về mặt hàng gốm mỹ nghệ và vật liệu xây dựng như gạch ngói, đá , cát ....
Khi người Pháp định hình xong nền móng đô hộ ở Viêt Nam nói chung và Biên Hoà nói riêng , họ thành lập trường bá nghệ thực hành ở Biên Hoà , do một bà đầm Pháp làm hiệu trưởng . Họ đào tạo lớp thợ đầu tiên để sản xuất gốm nung . Sau này có thêm đúc đồng , điêu khắc . Ba tôi thuộc lớp thợ thế hệ thứ hai , từ khoảng 1940 đến về sau . Sau khi người Pháp rút lui, trường bá nghệ vẫn còn, do anh em thợ quản lý dưới hình thức hợp tác xã . Một số nghệ nhân ra lập công ty , tổ chức sản xuất riêng lẽ , hoặc hợp tác với tư bản nước ngoài . Ở Chợ đồn , có chú Ba Nam , Chú Hai Đáng , sản xuất với thương hiệu DONA nổi tiếng ở Mỹ và thị trường Châu Âu . Ở Tân Vạn có bác Bảy Vạn . Thời kỳ đó , mấy đại gia này chỉ uống Wisky , đi xế hộp hoặc xe Jeep, giao dịch với mấy quan lớn . Thấy thị trường gốm mỹ nghệ béo bở , quý mệnh phụ phu nhân ở Sài gòn cũng lên Biên Hoà hùn vốn , chiếm một mảnh đất béo bở ở Tam Hiệp để lập ra công ty CERAMIC , hoạt động chưa được bao lâu thì tan hàng , đứt bóng . Chức vụ đi đôi với quyền lợi .
Từ sau thời mở cửa , mặt hàng này có lợi nhuận cao , nhiều cơ sớ sản xuất dưới hình thức hợp tác xã ra đời . Sản phẩm thiếu chất lượng , sản xuất cẩu thả , công nghệ lạc hậu , các thị trường truyền thống bị mất dần . Lại có mặt hàng gốm đỏ , không dùng đất sét trắng , không tô màu , ở Vĩnh Long phát triển , người nước ngoài ưa chuộng hơn . Chính quyền sở tại bắt buột các cơ sở còn trụ được tập trung vào khu công nghiệp gốm sứ ở Tân Hạnh , nung sản phẩm bằng lò ga để tránh ô nhiễm môi trường .
Sau khi người Pháp rút lui , hoà bình được lập lại , các cơ sở gạch ngói phát triển thêm . Trước 1960, phương tiện sản xuất còn lạc hậu . Máy nổ để ép gạch chạy dầu , không có điện . Mỗi chủ lò gạch mua vài mẫu ruộng để lấy đất sản xuất . Đất sét được vận chuyển bằng xe bò , cách xa hàng cây số . Sau này những chổ lấy đất làm gạch thành ao nuôi cá . Sau 1960, các phương tiện cơ giới được nhập vào : xe tải ben , xe máy xúc , xe máy ủi ... Những công ty khai thác đất được thành lập , những đường dây cung cấp củi được hình thành . Ở Chợ Đồn , cung cấp đất có chú Tám Chấn , cung cấp củi có bà Bảy Lâm , Bảy Mén... Nhưng ông bà mình có câu "nhất phá sơn lâm , nhì đâm hà bá ", những người này phất lên một thời rồi cũng lụi tàn .
Khoảng năm 1970, một số tư bản người Hoa ở Biên Hoà lập ra nhà máy gạch ngói Đồng Nai , áp dụng công nghệ tiên tiến của Châu Âu . Lò nung theo kiểu Tunnel , đường hầm , gạch trước khi nung được hút chân không cho khô , nung đốt sản phẩm bằng dầu , có béc phun . Tất cả đều theo dây chuyền khép kín . Sản phẩm đúng qui cách , chắc , đẹp , được thị trường ưa chuộng , dù giá thành có đắt hơn . Sản phẩm còn được xuất khẩu .
Giai đoạn từ 1965 -1972 , các lò gạch ăn nên làm ra .Ở khu vực Tân Vạn , Chợ Đồn , Hoá An , chỉ Chợ Đồn có rạp hát Phước Chung . Các đoàn cải lương thường đến đây trình diễn . Chiều tối , xe tải của đoàn hát đánh trống , thổi kèn chạy xuống Tân Vạn để rước khán giả miễn phí . Rồi chạy ngược lên Hoá An , Tân Hạnh . Đoàn Thanh Hương , Văn Chung , của anh kép mùi Văn Chung và cô đào mập Thanh Hương đến tập tuồng và khai trương ở đây . Đoàn Trâm Vàng có cô đào trẻ Lệ Thuỷ, mới bước lên ánh đèn sân khấu , lúc đó chưa nổi tiếng , cũng thường đến đây trình diễn . Đa số khán giả là dân lao động. Các lò gạch là nơi ẩn thân của mấy anh chàng trốn quân dịch . Thỉnh thoảng mấy anh chàng lính cao bồi của tiểu đoàn 58 bảo vệ phi trường đóng ở Hoá An , thường đến xem hát cọp , gây sự với dân vệ . Ẩu đả xảy ra , thất thế , mấy anh chàng chạy về đơn vị , kêu thêm đồng đội, lấy súng bao vây trụ sở xã . Xã trưởng phải điện báo quân vụ thị trấn ở Biên Hoà , do trung tá Đầy , chồng cô đào Út Bạch Lan , nhờ sang giải quyết . Đó là thời kỳ hoàng kim của vùng đất phía nam Biên Hoà . Ở phía đông ,phía bắc Biên Hoà , là Hố Nai , Tam Hiệp , Tân Mai có thế mạnh về mua bán , nhất là hàng lậu , hàng PX .
Sau năm 1975, những lò gạch có chủ bỏ đi hoặc sợ bị đánh tư sản nên đem hiến tặng nhà nước . Tất cả dều bị quốc doanh . Nguyên vật liệu được cung cấp theo kiểu bao cấp . Sản phẩm được bán theo kiển xin cho . Sau 1985 những cơ sở đã ngừng hoạt động xin tái hoạt động lại dưới hình thức tư nhân . Các cơ sở quốc doanh bị thua lỗ , cụt vốn phải phá sản . Bù lại mặt bằng của họ được bán giá cao hoặc phân lô bán nền khi đất đai có giá . Một số lò gạch mini ra đời . Máy đùn gạch cho ra một cục . Lò nung khoảng vài chục ngàn viên , một tháng có 5-6 kỳ nung đốt lò . Một cơ sở có thể hoạt động hơn một năm là hoàn vốn . Nhu cầu tiêu thụ tăng cao . Người dân có tiền cần xây nhà . Các công trình phúc lợi , các xí nghiệp mới thành lập . Lại có phong trào xây trụ nọc cho cây tiêu , gạch cần nung cháy thêm nữa . Lò gạch mọc lên như nấm. Rồi đến giai đoạn bão hoà . Các nhà máy gạch Tunnel tiếp tục ra đời . Năm 2000, các lò gạch thủ công phải đóng cửa vì ô nhiễm môi trường . Họ sang Tân Ba , Tân Phước Khánh mua đất , xây dựng cơ sở mới . Nhưng cũng chỉ hoạt động được 10 năm . Cuối 2010, tỉnh Bình Dương lại đóng cửa các cơ sở này , chỉ cho các lò gạch Tunnel hoạt động . Quy luật của phát triển kinh tế.
Có thể nói , dưới nền đất của Biên Hoà , toàn bộ là đá xanh . Ở những vùng thấp , bóc lớp đất mặt lên khoảng 5m là hiện ra đá . Từ núi Châu Thới đến Bửu Long ,đá được khai thác triệt để . Núi Châu Thới , Bửu Long đã bị chặt phá một phần . Để bảo tồn chính quyền không cho khai thác nữa . Người ta tiếp tục khai thác các vùng phụ cận chân núi . Những mỏ đá sâu , bị ngập nước thành những hồ nhân tạo, như ở xã Đông Hoà, Dĩ An , trong khu vực đại học quốc gia có mấy hồ nước lớn .Trên máy bay các bạn sẽ nhìn thấy rõ . Trước 1975 , ở khu vực gần xa lộ, phía bên kia đồi 25 , nhà thầu xây dựng RMK của Mỹ đã thành lập khu vực nghiền đá to lớn để trộn nhựa trải đường . Bây giờ các mỏ đá lại tiếp tục được khai thác ở Nhơn Trạch, ở Tân Thành ,Phú Mỹ thuộc Bà Rịa . Lại có những mỏ mới ở Tân cang , Long Thành , Sóc Lu Trảng Bơm . Các xà lan hàng trăm tấn ở Miền Tây đều lên Đông Nam Bộ lấy đá cho các công trình xây dựng . Đá ở núi Sập , núi Sam có độ mềm hơn , non hơn . Món lợi nhuận khổng lồ vì chỉ cần khai thác , vận chuyển là có tiền . mặc cho môi trường bị xâm hại .
Cát ở khúc sông Đồng Nai , từ Cù Lao Thạnh Hội đến Cầu Mới Bửu Long cũng được khai thác triệt để . Sau từ lâm tặc là từ cát tặc. Cát ở sông Tiền , sông Hậu xấu hơn vì có lẫn bùn còn được xuất khẩu sang Singapore .
Chúng ta nằm trên những mỏ đá , mỏ cát . Nếu khai thác bừa bãi , không tính toán khoa học sẽ là hiểm hoạ cho thế hệ sau này . Nhưng không sao , ai chết mặc ai , tiền thầy bỏ túi .
Cùng bạn Phước 334 thân mến ,
Sáng nay , mình có đến thăm thím sáu Thuận . Thím sáu vẫn mạnh khoẻ , hôm nay chủ nhật nên nghỉ bán cơm . Cháu Vân ở phía bên chồng . Cháu Hải chắc đi công chuyện , nên chỉ có thím và mấy đứa cháu nội ở nhà . Thím có nói về chuyện Phước Long , mình nói bạn vừa đưa bài đó lên . Thím sáu và hai cháu Vân , Hải gởi lời thăm chú thím Mười và hai em . Chúc sức khoẻ gia đình . Thìm gởi lời mừng sinh nhật chú Mười vui vẻ
Vài lời cho bạn rõ , hẹn gặp năm sau ở Chợ Đồn .

Luận 324

ĐỖ CÔNG LUẬN


47 Năm Hội Ngộ 01-09-2019

45 Năm Hội Ngộ 03-09-2017

43 Năm Hội Ngộ 05-09-2015

41 Năm Hội Ngộ 06-07-2013

38 Năm Hội Ngộ 04-07-2010