Thursday, December 2, 2010

BÀI VIẾT VỀ QUÊ HƯƠNG BIÊN HOÀ

Để kỷ niệm ngày bước qua tuổi 60 của mình, ngày 1 -12 , tôi xin gửi đến các bạn cùng khoá 372 bài viết về Biên Hoà yêu dấu , nơi tôi được sinh ra , lớn lên và sẽ yên nghỉ nơi này . Bài này cũng dành tặng cho những ai đã sinh ra và lớn lên , hoặc có kỷ niệm về vùng đất đau thương nhưng đầy tiềm năng phát triển này .
Tôi sinh ra ở Biên Hoà , vùng đất được gọi là địa linh nhân kiệt . Sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên , chảy qua đồi núi gập ghềnh đến thác Trị An . Từ đây sông chảy về đồng bằng , uốn lượn qua thành phố Biên Hoà để xuôi ra biển . Tả hữu dòng sông có hai ngọn núi Bửu Long , Châu Thới với tư thế RỒNG CHẦU HỔ PHỤC .
Theo dòng lịch sử , hơn 300 năm trước , 1698 , lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược vùng đất mới khai phá , lập ra dinh Trấn Biên . Khoảng năm 1701 , ông thống lĩnh binh sĩ đi dẹp loạn ManDi ở vùng Phước Long , Mô Xoài , ở thượng nguồn Sông Bé . Trên một gò đất cao ở Cù Lao Phố , một ngày trời quang mây tạnh , ông làm lễ xuất quân . Bỗng có một bà đồng bóng , gọi là cô Bóng Hiên , lên đồng ngăn cản . "đừng đi sẽ nguy hiểm đến tánh mạng " . Vì trung quân ái quốc , ông tuốt gươm chém cô bóng và ra lệnh tiến binh theo dòng Đồng Nai về hướng thượng nguồn . Đến nơi , bị trúng tên độc của kẻ thù phải vong mạng . Thi hài ông được đưa về quàn tại gò đất nơi làm lễ xuất binh , trước khi được đưa về an táng ở quê hương Quảng Bình . Nơi gò đất cao đó , sau này dân làng lập ra đình Bình Kính để thờ tự ông với ngôi mộ gió . Hướng bên kia sông , gần Thanh Lương Cổ Tự , dân làng Mỹ Khánh lập ra ngôi miếu thờ cô bóng Hiên . Mấy chục năm sau , hai bại tướng nhà Minh , Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch không thần phục nhà Thanh , xin Chúa Nguyễn vào lánh nạn ở vùng đất Biên Hoà , lập ra nông nại đại phố , một thương điếm nổi danh , trên bến dưới thuyền , trước khi phải nhường ngôi cho Sài Gòn Bến Nghé . Để ghi nhớ công lao của đức ông , dân chúng lập ra ngôi đình để thờ tự , gọi là đình Tân Lân , hướng ra dòng Đồng Nai hiền hoà . Hàng năm , vào ngày 24-10 âm lịch , dân chúng làm lễ kỳ yên để nhớ tiền nhân
Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam , cũng theo sông Đồng Nai tiến đánh Biên Hoà . Danh tướng Nguyễn Tri Phương vâng lệnh vua Tự Đức về lập đồn luỹ để chống giữ vùng đất Biên Hoà . Nơi tiếp giáp rạch Thủ Huồng , địa chủ Võ Thủ Hoằng với truyền thuyết về Nhà Bè , và sông Đồng Nai , có bãi đá ngầm . Theo các bô lão , đó là kỳ công của tướng Nguyễn Tri Phương cho ghe đổ đá để ngăn tàu giặc Pháp , vì ở giữa dòng sông đã có bãi đá hàn . Ở làng Mỹ Khánh cổ kính còn có bà Nguyễn Thị Tồn , vợ hiền của thi nhân Bùi Hữu Nghĩa , dùng ghe bầu vượt biển ra kinh thành , đánh trống tam toà , kêu oan cho chồng và được Từ Dụ Hoàng Thái Hậu phong tặng bốn chữ LIỆT PHỤ KHẢ GIA . Bên Cù Lao Phố , còn có Đại Giác Cổ Tự , Hoàng Ân Cổ Tự . Lúc vua Gia Long và hoàng gia bôn tẩu đã lánh nạn nơi này . Sau khi lên ngôi báu , vua đầu triều Nguyễn đã ban tặng bức trướng để ghi nhớ công đức . Núi Châu Thới , còn có tên là Cố Phi San , do độc trại chữ coffee ,vì người Pháp đã có trồng thữ nghiệm cây càphê trên đó . Tương truyền , vùng đất từ đồi Dù , chùa Hội Sơn , đến đồi bác sĩ Tín , làng Cao Thái qua Tam Bản Kiều (cầu bắc bằng ba tấm ván) , vòng sau núi Châu Thới , đó là chiến trường nơi giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Triều . Về sau , có những đêm khuya , người dân nghe tiếng ngựa hí quân reo . Nơi đó gần những bãi tập của trường bộ binh Thủ Đức Khi thực dân Pháp chiếm giữ Biên Hoà, đã lập ra doanh trại để binh lính trấn giữ gọi là thành Sơn Đá (Soldat) . Vết tích còn lại chỉ là một mảng tường nằm gần địa danh nổi tiếng Ngã Ba Thành - Dốc Sỏi . Gần đó có Hưng Linh Tự , dân gian gọi là chùa Cô Hồn , nơi bí mật thờ tự những anh linh nghĩa sĩ bị người Pháp giết hại vì đã chống lại "Đại mẫu quốc Pháp". Ngược lại , cách đó không đầy một cây số , hướng mặt trời mọc , ngưới Pháp lại dựng lên một nơi là đài kỷ niệm , để tưởng nệm những người Việt Nam đi lính cho pháp và hi sinh ở mẫu quốc Pháp trong thế chiến thứ nhất .
Tôi sinh năm 1951 . Khi chưa tròn 1 tuổi , năm 1952 xảy ra trận bão lụt năm thìn . Mẹ tôi kể lại , năm đó nước lũ ngập hết chợ Biên Hoà , đến tận trường tiểu học Nguyễn Du . Hướng Chợ Đồn Tân Vạn , chỉ có từ Ngã Tư Chợ Đồn kéo dài đến dốc Chú Hoả , là vùng đất cao , nước không ngập tới , người dân đến đó để lánh nạn . Hướng cầu Ghành , những bụi tre già của rừng Tân Uyên , Vĩnh Cửu bị lũ cuốn trôi , chảy cuồn cuộn qua bãi đá hàn . Trận lũ lịch sử đã qua gần 60 năm .
Năm 1955 , bà nội tôi mất . Ngày đưa tang , tôi mặc đồ tang trắng bằng vải mùng , ngồi trên xe nhà Vàng , vì tôi là đích tôn . Ba tôi kể lại . Hồi đó nhà nội nghèo , để đưa tiễn nội về quê mẹ ở xã Tân Hạnh , ba tôi và các cô chú chỉ đặt xe nhà Vàng hạng ba của trại hòm Mai Phùng Xuân . Khi đó , có một ông nhà giàu ở gần đó cũng cần đưa tang về xã Tân Ba Tân Uyên , sau đám của nội tôi , bằng xe hạng nhất . Ông chủ trại hòm nói : Để tiện đường đi , tôi sẽ cho bà đi xe hạng nhất nhưng chỉ tính tiền hạng ba .
Ba tôi nói , ai cũng có phần số .
Năm 1957 , tôi bắt đầu vào học lớp 1 . Năm năm tiểu học , đó cũng là khoảng thời gian thanh bình của đất nước . Năm 1958 , xã tôi cho di dời ngôi chợ cũ về ngay chỗ hiện tại , gẩn ngã tư Chợ Đồn , gần trụ sở xã . Chợ được xây dựng trên nền đồn của lính đạo Cao Đài ở địa phương . Có lẽ vậy mới thành danh Chợ Đồn . Lúc đó hè năm lớp 1 , chợ đang xây dựng . Ham chơi , tôi chạy qua chợ để nô đùa với lũ bạn . Bị mẹ la rầy , sợ quá , tôi chạy trốn lên trường học . Một lúc sau nhìn về hướng nhà , hướng chợ , sao thấy người ta bu đông nghẹt quá . Tôi chạy về , mới hiểu . Em gái kế tôi , 4 tuổi , thấy mẹ qua chợ , chạy theo sau bị xe tải quẹt ngã cán chết . Cả gia đình , ba má , các chị kêu la thảm thiết . Nỗi buồn thứ hai . Năm năm học tiểu học trường làng rồi cũng trôi qua . Bạn bè tôi người còn người mất , đã lên chức ông chức bà . Từ ngôi trường đó 4 đứa con tôi tiếp tục theo học . Sang năm , đứa cháu ngoại đầu lòng cũng sẽ học ở đó . Nhưng ở một ngôi trường mới hơn , khuôn viên rộng rãi hơn , cao 3 tầng . Phía sau trường là ngôi nhà nơi sinh ra anh Trần Văn Ơn , người học sinh Petrus-Ký, bị bắn chết ngày 9-1-1950 sau một cuộc biểu tình . Ngôi trường mang tên trường tiểu học Trần Văn Ơn .
Năm 1963 , tôi vào đệ thất Ngô Quyền . Đó cũng là thời kỳ đen tối của đất nước . Những trò đùa chính trị , đàn áp biểu tình , đàn áp phật giáo xảy ra . Chuyện công tội hãy để cho lịch sử phán xét , tôi chỉ muốn nhắc đến chuyện buôn thần bán thánh . Lúc đó người ta đồn rằng , nước giếng trên núi Bửu Long là nước thánh , trị được bá bệnh . Người ta đua nhau vét cả nước cặn , nước bùn . Nhưng nuớc hồ Long Ẩn thì không thể múc cạn vì đó là dấu tích của sự khai thác đá , làng nghề truyền thống đập đá và điêu khắc đá ở Bửu Long . Những tấm ảnh phật bà hiện ra , hình các nhà sư tự thiêu , trái tim bất diệt ..... được in ra, lồng ghép để bán . May là hồi đó chưa có photoshop . Ngay ở xã tôi , trên võ ca của miếu bà , người ta cũng bày chuyện đó . Có mấy ông bà bị căm điếc cũng được cho uống nước thánh để nói được . Vì chuyện tò mò của thời trẻ con , mấy ngày đêm tôi cũng bỏ ăn để theo dõi sự tình .
Rồi người Mỹ chen chân vào Việt Nam , đời sống xã hội bắt đầu thay đổi . Cầu Đồng Nai được xây dựng . Xa lộ không đèn được khánh thành . Một buổi chiều tà mát mẻ , ba mẹ tôi thuê chiếc xe lam 3 bánh để chở cả gia đình ra ngắm chiếc cầu bê tông hoành tráng , cái xa lộ thẳng tắp nhiều làn xe .
Căn cứ quân sự Long Bình rộng mấy chục cây số vuông được hình thành , chạy dài từ ngã ba Vũng Tàu đến ấp Ngũ Phúc Hố Nai . Con đường từ ngã tư Tam Hiệp đến ngã ba Phước Tân bị đóng lại , thay vào đó là con đường hiện hữu . Địa danh ngã ba Vũng Tàu xuất hiện từ đó . Những vườn cây cao su bị chặt phá , những hàng rào kẽm gai được mọc lên . Những con đường ngang dọc phẳng phiu , xe jeep quân sự ngày đêm tuần tra . Bên kia xa lộ , tiếp giáp sông Đồng Nai , khu kỹ nghệ Biên Hoà được ra đời . Những xí nghiệp do tư bản nước ngoài, nước trong đầu tư , tên gọi nửa tây nửa ta bắt đầu được điểm danh . COGIDO , công ty giấy Đồng Nai . COGIVINA , công ty giấy Việt Nam . VIKYNO , Việt Nam kỹ nghệ nông cơ . BOMICO , bột mì công ty .... Trung tâm Biên Hoà bắt đầu náo nhiệt . Những khu đèn đỏ , đèn màu đã xuất hiện . Những từ OKê , Snack Bar có chỗ đứng trong lòng xã hội . Từ me Tây bị đi vào quên lãng để thay vào từ me Mỹ . Những điếu Salem , Pall Mall bắt đầu bập bẹ trên môi những em bé đánh giầy , trong khói thuốc xoe tròn . Tôi vẫn hồn nhiên đến trường trên những chiếc xe lam 3 bánh , ngày hai lượt qua cầu Ghềnh , càu Rạch Cát . Một ngày đẹp trời , tỉnh trưởng huy động tất cả xe đò Liên Hiệp để chở lũ học sinh chúng tôi đến Dĩ An để đón ngài ngoại trưởng Đinh - Rớt , vẫy cờ chào đón lữ đoàn bồ câu trắng công binh kiến tạo ĐẠI HÀN DÂN QUỐC . Rừng Cấm , rừng Cò Mi bị san ủi để xây dựng những con đường chiến lược . Một ngày cuối tháng 10-64 , Biên Hoà bừng tỉnh bởi những loạt đạn pháo kích sân bay . Lời cảnh báo của thần chiến tranh . Xã vùng ven của tôi lại có những đêm không ngũ vì lệnh khám xét nhà , bắt quân dịch . Giữa năm 1967 , tôi được cấp giấy tốt nghiệp THĐ1 cấp để bước vào 3 năm đệ nhị cấp . Cái tuổi bắt đầu biết bóp cò súng (hiểu nghĩa nào cũng được).
Cầu Ghềnh , cầu Rạch Cát bắt đầu bị kẹt xe liên tục . Ngày hai buổi sáng chiều , trên những chiếc xe hai bánh Honda , Suzuki , lam-brết-tit trắng xám , những anh chàng lính không quân , Pilốt ngày hai lượt đi về . Cái chợ quê ở xã tôi nhộn nhịp hẳn lên . Người ta họp chợ ở cả ngoài đường , từ ngã tư Chợ Đồn đến Chợ Đồn Cũ . Mì Samen Nhật , cá hộp Nhật , bột giặt .... đầy đường . Mặt trái của chiến tranh . Viện trợ Mỹ được đổi bằng hàng hoá Nhật , giúp anh chàng lùn vực dậy sau hai quả bom .
Trái tim tôi bắt đầu biết rung động . Mỗi sáng , trưa tôi đều đi học sớm , đến bến xe để đợi em . Em từ con dốc bước lên, tà áo trắng tung bay , cặp táp đen che ngực . Trái tim đập nhanh hơn . Em lên xe rồi , tôi mới lên theo , ngồi trước kế bác tài . Ba năm tình câm lặng . Một ngày tôi trao thơ cho em , em nhận nhưng không hồi đáp . Sau này tôi hiểu ra , em đã có người khác , học trên hai lớp . Kết quả của sự mõi mòn chờ đợi . Bài học đầu đời tôi học được ở tình trường .
Đầu năm 1968 , chiến tranh bước sang bước ngoặt mới . Chiến tranh về thành phố . Cụm từ TẾT MẬU THÂN còn nhức nhối trong tim của người Việt Nam máu đỏ da vàng . Chúng tôi được ăn cái tết dài nhất , nghĩ học hơn 1 tháng , rồi sau đó đi làm công tác xã hội ở Đồng Lách , Hốc Bà Thức ....


Sáng mùng một Tết súng nổ bốn phương
Người dân ngơ ngác chạy vội ra đường
Giặc đang tìm đường tràn vào thành phố
Đám dân nghèo lần nữa chịu tai ương

Nổ ở Biên Hùng , nổ ở nhà ga
Liên thanh giòn rã lẫn tiếng A-ka
Người dân di cư thêm lần di cư nữa
Nước sông Đồng cuồn cuộn phong ba

Người dắt dìu nhau đi tìm sinh lộ
Đồng Lách điêu tàn trăng trắng màu tang
Suối săn máu đỏ vươn mùi tử khí
Hố Nai , Tam Hiêp nhà cháy hàng hàng ......

Bọn học trò nam chúng tôi lại phải đi học quân sự ở TTHL / ĐPQ ở Bửu Long . Lần đầu tiên bàn thay thư sinh biết cầm súng . Tay nào cầm viết , tay nào cầm súng , để rồi sau này .... cầm cuốc .

Tay đan nước mắt , ta đào mộ ta

Câu thơ này tôi viết khi bị tình phụ , nhưng khi vào tù vẫn có ý nghĩa .
Bạn bè lần lượt chia tay vào quân đội . Thằng Tốt , thằng Hùng đi hải quân . Thằng Nghiệp , thằng Phát đi địa phương quân . Thằng Hạnh đi biệt động quân .
Thằng Thiện đi không quân ..... Rồi tin dữ lại về . Thằng Hạnh nhỏ con , học giỏi , chết khi vượt dây tử thần ở Dục Mỹ . Tội nghiệp mày quá Hạnh ơi ! Mày nhỏ con ốm yếu mà dám đi biệt động quân . Viết đến đây , những giọt nước mắt lại lăn dài trên má . Mình phải đi rửa mặt .
Chương trình học lại bị rút ngắn . Mỗi chiều thứ bảy bạn bè chúng tôi đi xã strees bằng cách đến xe hủ tiếu của Giang Hưng để ăn cháo tiều , mì xào giòn , rồi đi nghe nhạc ở các tụ điểm . Nhạc sống có ở các quán cà phê đối diện trường Ngô Quyến . Nhạc công là mấy anh chàng văn nghệ sĩ quân đội đi làm thêm kiếm tiến . Từ giàn máy Akai của cà phê Tuyệt , đối diện rạp Khánh Hưng , bọn chúng tôi thả hồn nghe những bản tình ca của Phạm Duy , Trịnh Công Sơn . Xa xa , ở những quán bar đối diện bệnh viện tỉnh, ở khu vực Ngã Ba Thành Dốc Sỏi , cổng hai không quân , những em má đỏ môi hồng , những giàn đèn xanh đỏ mờ ảo , những chàng mũi lỏ mắt xanh dập dìu theo tiếng nhạc . Thành phố đợi giờ giới nghiêm . Những người con gái Việt Nam rời bỏ ruộng đồng , xa lánh chiến tranh để về thành phố làm những con thiêu thân .
Những chiều tan học , từ dốc Huỳnh Của đến ngã năm Biên Hùng , những tà áo trắng tung bay theo chiều gió lộng . Trong tôi, màu trắng là trắng cả ước mơ, tương lai là con số không to tướng . Phải đậu tú tài 1 , tú tài 2 . Từ đó đã sản sinh một nhà thơ . Nguyễn Tất Nhiên , tên tộc Nguyễn Hoàng Hải , bạn bè gọi là Hải khùng , học sau tôi một lớp . Những bài thơ nói về mối tình si với người con gái tên Duyên học cùng trường , chung xóm . Đến khi nhà thơ được Du Tử Lê giới thiệu đến nhạc sĩ Phạm Duy , những bài thơ của chàng được phổ nhạc , công chúng mới biết đến . Đêm đại đội 32 sinh hoạt ở sân đại đội , khi Hồ Văn Tiên hát lên bài THÀ NHƯ GIỌT MƯA , bọn mình cảm thấy xúc động quá , tuyệt vời quá . Cuộc đời nhà thơ rồi cũng kết cuộc đau thương nơi xứ người .
Rồi mùa hè đỏ lửa , tôi phải vào Thủ Đức . Hơn một năm gian khổ ở chiến trường Vĩnh Bình . Năm tháng gay go ở gió biển Vũng Tàu . Tôi lại về huấn khu Thủ Đức để học HCTC . Học ngành thì thoải mái hơn . Xe máy được đem vào doanh trại . Buổi chiều chia ca gác cho lính lác xong , mình có quyền dzọt về nhà . Mười cây số đường xa lộ . Những ngày cuối tháng tư , tôi lại dzọt về nhà thường xuyên hơn vì mới cưới vợ .
Khoảng 20-4-1975 cậu tôi ở Long Thành về dự đám cưới , đã nói nhỏ với ba má tôi :
- VC về ở đồn điền Bình Sơn nhiều lắm , có cả xe tăng pháo lớn . Sắp có đánh lớn . Em đem má , bà ngoại tôi , và mấy đứa nhỏ về ở với anh chị .
Chiều 26-4 tôi từ Thủ đức về nhà, gần đến ngã ba Tân Vạn , súng nổ rền vang ở hướng Bến Gỗ , cầu Đồng Nai , trực thăng vần vũ trên bầu trời . Ngày chủ nhật 27-4 nhà ba má tôi bắt đầu đào hầm trú ẩn . Đêm đó đặc công VC từ Hóc Ông Che , men theo đường rầy xe lửa đánh chiếm cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát . Họ muốn các cây cầu về Sài Gòn phải được nguyên vẹn . Người dân xã tôi lần đầu và cũng là lần cuối cùng biết đến chiến tranh . Súng nổ rền vang , mấy anh nhân dân tự vệ quăng súng chạy về trụ sở xã . Sáng hôm sau , lính từ Biên Hoà , tiểu đoàn dù từ xa lộ tiến vào hành quân giải toả . Từng ổ đề kháng bị tiêu diệt . Chiến xa M41 từ Tân Uyên chạy về , đám tàn binh sư đoàn 18 từ xa lộ kéo về tập họp ở ngã tư Chợ Đồn . Đêm 29-4 , đêm cuối cùng , pháo bắn dồn dập vào căn cứ Long Bình , về hướng cầu Đồng Nai . Pháo nổ liên hồi như những hồi chuông vĩnh biệt . Bình minh 30-4 , ngày đen tối bắt đầu . Lịch sử sang trang


BÀI THƠ ĐỂ LẠI CHO ĐỜI
Ta đi trong nắng thu tàn .
Để nghe gió thổi mênh mang cuối hồn
Chợt buồn tắt nắng hoàng hôn
Sáu mươi năm chẵn ta còn nhớ ta

Sao rơi cuối dãy ngân hà
Nguời về với đất bôn ba phận người
Có nghe máu đỏ ngừng trôi ?
Có nghe nhân thế đọc lời cầu kinh ?

Bồng bềnh mây trắng thiên đình
Lửa sân si tắt , lung linh hão huyền
Trăm năm trong cõi bình yên
Xin vô ưu nở xanh miền cỏ hoa
Luận 324


ĐỖ CÔNG LUẬN

47 Năm Hội Ngộ 01-09-2019

45 Năm Hội Ngộ 03-09-2017

43 Năm Hội Ngộ 05-09-2015

41 Năm Hội Ngộ 06-07-2013

38 Năm Hội Ngộ 04-07-2010